/
/
Toàn cảnh về chuyển đổi số dành cho người mới bắt đầu tìm hiểu

Toàn cảnh về chuyển đổi số dành cho người mới bắt đầu tìm hiểu

Nội dung

chuyen-doi-so-thumb

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Vậy chuyển đổi số có từ khi nào? Vì sao cần chuyển đổi số? Làm thế nào để chuyển đổi số? Chuyển đổi số có hết nhiều tiền không? cùng rất nhiều những vấn đề mà những người quản lý sẽ quan tâm đều được chia sẻ trong bài viết này. Cùng DEHA Vietnam tìm hiểu ngay nhé!

Chuyển đổi số là gì? 

chuyen-doi-so-toan-dien

Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Cùng theo dõi một câu chuyện chúng tôi chia sẻ ngay bên dưới để có một cái nhìn thực tế và dễ hiểu hơn về chuyển đổi số nhé!

Một công ty du lịch lớn ở Mỹ quyết định thực hiện một sáng kiến chuyển đổi số bằng cách lắp đặt các camera công cộng và các cảm biến thu thập dữ liệu công khai ở nhà ăn của công ty. Dữ liệu được truyền về hệ thống tính toán để phân tích. Sau một thời gian, công ty nhận ra rằng nhóm những người thường xuyên ăn cùng nhau trong nhóm 4 người hoặc 8 người là những người có năng suất lao động cao hơn những người ăn một mình hoặc ăn theo nhóm đông hơn. Chính vì vậy, công ty này đã quyết định thay đổi kích thước bàn ăn trong nhà ăn của mình, chỉ gồm 2 loại bàn, dành cho 4 người và dành cho 8 người.

chuyen-doi-so-2

Đây là một câu chuyện thể hiện một cách thức tư duy và hành động mới, đó là ra quyết định dựa trên dữ liệu, một lợi ích mà khi chuyển đổi số chúng ta sẽ có được. Dữ liệu đúng, đủ và kịp thời sẽ dẫn đến hành động đúng, không cảm tính.

Chuyển đổi số, bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.

Nhiều nhà quản lý suy nghĩ về Chuyển đổi số và đặt ra những câu hỏi như sẽ chuyển đổi những gì? Chuyển như thế nào? Bạn có thể tìm đọc bài viết Chuyển đổi số gồm những gì? Giải mã chi tiết cho người mới tìm hiểu để có thêm những cái nhìn sâu hơn nhé!

Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Loài người đã quen với môi trường thực nhiều thế kỷ. Chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen là việc khó. Thay đổi thói quen là việc lâu dài. Thay đổi thói quen ở một tổ chức phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu. 

Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, nhận thức đúng là việc khó. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo.

Chuyển đổi số cũng giống như mọi thứ khác trên đời, luôn luôn có hai mặt, bởi vì công nghệ số là cội nguồn của những điều tốt đẹp lớn lao và cũng là nguồn gốc của những tác hại khủng khiếp tiềm tàng. Chúng ta có thể chưa hình dung hết được tất cả về những điều tốt đẹp và điều khủng khiếp đó ở thời điểm hiện nay. 

Những hệ lụy đến từ môi trường số có thể kể ra như những chiêu trò lừa đảo, những chiến dịch ăn hiếp, bắt nạt trên mạng, những trang của các nhóm hận thù và những trang của các nhóm khủng bố.

Vì sao cần chuyển đổi số?

Đây được xem là câu hỏi then chốt, quyết định một doanh nghiệp bất kỳ có quyết tâm chuyển đổi số hay không. 

Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Đứng ở mỗi góc nhìn, từ quốc gia, đến tổ chức doanh nghiệp, các cá nhân, chúng ta sẽ cùng phân tích vì sao cần chuyển đổi số.

Góc nhìn từ quốc gia

Chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam. Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.

Góc nhìn doanh nghiệp

Năm 1975, kỹ sư của Kodak đã phát minh ra chiếc máy ảnh số, nhưng Kodak đã xếp xó vì lo sợ phát minh này sẽ khiến người ta không mua phim và thuốc rửa ảnh nữa. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Kodak mà còn là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp khác.

Càng lớn và càng thành công thì lại càng chậm chuyển đổi. Kodak tiếp tục bỏ qua nhiều cơ hội chuyển đổi số khác. Nhưng Kodak không làm thì có người khác làm. Sự xuất hiện của iPhone năm 2007, rồi Instagram năm 2010 là nguyên nhân trực tiếp khiến Kodak phá sản vào năm 2012.

Góc nhìn cá nhân

Sinh thời, Bác Hồ đã nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu khó học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”. Cuộc sống không ngừng vận động, biến đổi. Mỗi người cũng cần không ngừng thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau.

Làm chuyển đổi số thế nào?

Chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả, và do vậy, từng tổ chức, từng cá nhân cần xác định lộ trình riêng, thích hợp với mình. Kinh nghiệm chỉ là bài học trong những chuyện đã có tiền lệ, không có kinh nghiệm cho những điều chưa xảy đến. Chuyển đổi số là câu chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, tầm nhìn phải thay tế kinh nghiệm. 

Chiến lược chung là từ thực trạng và đích đến để định ra đường đi thích hợp cho những việc cần làm để vượt các khoảng cách cần qua.

Vậy thì, liệu có một lộ trình chung nào để tham khảo không?

Dĩ nhiên là có. Để thực hiện chuyển đổi số, bạn có thể tham khảo một lộ trình gợi ý gồm ba bước chung nhất như sau: 

chuyen-doi-so-gom-nhung-gi-7

Bước 1: Có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số. Với một tổ chức, nhận thức của lãnh đạo cao nhất là điều kiện tiên quyết, để từ đó truyền nhận thức, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm thay đổi tới các thành viên. 

Bước 2: Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động. Xác định trạng thái hiện tại và trạng thái cần đến để định rõ mục tiêu, gồm cả việc xác định mô hình hoạt động, kinh doanh mới trong môi trường số, xây dựng kế hoạch hành động với các giai đoạn hợp lý, nội dung cụ thể. 

Bước 3: Xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động cũng như các nền tảng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi. Từ đó, xây dựng năng lực số, gồm đào tạo nhân lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thực hiện chuyển đổi.

Xây dựng chiến lược chuyển đổi số như thế nào? Chuyển đổi số là việc của chính mỗi tổ chức. Và việc này cần phải xuất phát từ nhận thức, từ quyết tâm và mức độ nắm rõ tình hình của tổ chức. Mỗi tổ chức, cá nhân là khác nhau, do đó, cần có những chiến lược khác nhau. 

Chiến lược chuyển đổi số không phải là một bản chiến lược ứng dụng công nghệ số. Chiến lược chuyển đổi số không phải là một bản kế hoạch ngắn hạn, cũng không phải là một bản kế hoạch dài hạn. Một bản chiến lược phù hợp thường hoạch định cho giai đoạn từ 3-5 năm. Chiến lược chuyển đổi số do người đứng đầu chỉ đạo xây dựng và phải lan tỏa, thấm nhuần tới từng thành viên của tổ chức. 

Chiến lược chuyển đổi số bắt đầu từ tầm nhìn của người đứng đầu, nhưng khi thực thi cần không ngừng đo lường, kiểm nghiệm thực tế xem điều gì đang đi đúng hướng và điều gì không, sau đó nhanh chóng điều chỉnh theo thực tế.

Có nên thuê tư vấn chuyển đổi số không?

Dù người lý đã am hiểu hay chưa nắm rõ về chuyển đổi số thì việc thuê công ty chuyển đổi số để tư vấn là điều nên làm. Việc cho rằng cái gì mình không biết thì có thể thuê tư vấn là một quan niệm thường dẫn đến sai lầm. Mà ngược lại, cái gì mình biết rõ rồi và thuê tư vấn thì mới thường dẫn đến thành công.

Chuyển đổi số cũng vậy. Chuyển đổi số là câu chuyện của chính mỗi cá nhân, tổ chức. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Và cánh cửa của sự thay đổi này chỉ có thể được mở từ bên trong. Nghĩa là, chủ thể đưa ra tầm nhìn, quyết định chuyển đổi số là chính bạn, còn chuyên gia tư vấn chỉ là người hỗ trợ, thay vì ngược lại.

Vậy thì thuê công ty nào để trở thành đối tác công nghệ trong chuyển đổi số? Cùng khám phá ngay những lưu ý thiết thực đã được chúng tôi chia sẻ ở mục số 3 trong bài viết Công ty chuyển đổi số là gì? Top 10 công ty chuyển đổi số uy tín tại Việt Nam, mời bạn tham khảo thêm.

Công nghệ chuyển đổi số là gì?

Công nghệ số (Digital technology) là một từ chỉ các công nghệ tạo ra và sử dụng các đối tượng dạng số. Nói cách khác, công nghệ số là công nghệ của các công cụ điện tử, hệ thống, thiết bị, phần mềm và tài nguyên để tạo ra, lưu trữ và xử lý dữ liệu số, vốn phần mềm và tài nguyên để tạo ra, lưu trữ và xử lý dữ liệu số, vốn thường được gọi đơn giản là dữ liệu.

Một số ví dụ quen thuộc với đại chúng là công nghệ truyền hình số, nhạc số, trò chơi trực tuyến, điện thoại di động… Nhiều công nghệ số chuyên dụng nhanh chóng được phát triển gắn với đặc thù riêng của từng lĩnh vực kinh tế – xã hội. Chẳng hạn như Fintech (Financial technology) là công nghệ số của ngành tài chính hay BIM (Building Information Modeling) là công nghệ số của ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, các công nghệ số phổ quát có nhiều đột phá trong thập niên vừa qua, tiêu biểu là điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối. Bên dưới là những chia sẻ chi tiết.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

dich-vu-chuyen-doi-so-AI

Con người nỗ lực làm cho máy móc có những năng lực trí tuệ của con người và gọi đó là trí tuệ nhân tạo. Xét theo nghĩa này, thì trí tuệ nhân tạo còn phải tiếp tục phát triển lâu dài nữa để tới gần hơn điều đó. 

Nhưng xét theo nghĩa hẹp hơn, là trí tuệ nhân tạo nhằm “tăng cường năng lực trí tuệ của con người”, thì đã có những bước tiến lớn trong vòng 2 thập kỷ vừa qua. Máy học là một nhánh của trí tuệ nhân tạo, có mục tiêu làm cho máy móc có khả năng học tập như con người. Biết học là sẽ tự có được kiến thức mới. 

Máy học dựa trên dữ liệu. Do dữ liệu ngày càng nhiều, năng lực tính toán ngày càng mạnh, nên đã tạo ra những phát triển đột phá trong máy học. Học sâu là một hướng phát triển lớn, đột phá, quan trọng của máy học. 

Học sâu dựa trên mô phỏng cấu trúc mạng nơ-ron và hoạt động của bộ não con người để xử lý, phân tích dữ liệu lớn, bao gồm cả dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc. Có thể ví trí tuệ nhân tạo như là hệ thần kinh của con người.

Điện toán đám mây (Cloud Computing)

dich-vu-chuyen-doi-so-dien-toan-dam-may

Điện toán đám mây là công nghệ cho phép năng lực tính toán nằm ở các máy chủ ảo, gọi là đám mây, trên Internet của các nhà cung cấp thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng, trên mặt đất, để mọi người kết nối, sử dụng như là dịch vụ khi họ cần. Một cách nôm na, điện toán đám mây cũng giống như điện lưới. 

Cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thay vì đầu tư máy chủ tính toán của riêng mình, giống như máy phát điện, thì sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, giống như điện lưới, sử dụng đến đâu trả chi phí đến đó mà không phải bận tâm tới việc vận hành, quản lý. Có thể ví điện toán đám mây như là cơ bắp của con người.

Dữ liệu lớn (Big Data)

dich-vu-chuyen-doi-so-phan-tich-du-lieu

Dữ liệu sinh ra từ hàng tỷ điện thoại thông minh, thiết bị và cảm biến kết nối vạn vật là rất lớn. Mỗi một ngày dữ liệu sinh ra có thể lên đến tương đương dữ liệu lưu trữ trong một tỷ đĩa DVD trước đây.

Nếu công nghệ trước kia cần một thời gian rất dài để xử lý dữ liệu như vậy thì công nghệ số hiện nay cho phép xử lý, phân tích trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều để trích rút ra thông tin, tri thức hoặc đưa ra quyết định một cách phù hợp. Có thể ví dữ liệu lớn như bộ não của con người.

Internet vạn vật (IoT)

dich-vu-chuyen-doi-so-IoT

Internet vạn vật (IoT) là một công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu như Internet là mạng lưới kết nối các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh… với nhau để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, Internet vạn vật là mạng lưới kết nối vạn vật với nhau để làm việc tương tự. 

Nhờ có các cảm biến thông minh và kết nối mạng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những vật vô tri vô giác, vật dụng gia đình, như chiếc quạt điện, lò vi sóng, hay cành cây, ngọn cỏ “cất tiếng nói” và giao tiếp với nhau và với con người. Internet vạn vật đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa môi trường thực và môi trường số.

Chuỗi khối (Blockchain)

blockchain

Chuỗi khối, như tên gọi, là một chuỗi dữ liệu phân tán trên mạng, gồm các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Vì mã hóa nên bảo mật. Vì phân tán nên không ai có thể kiểm soát toàn bộ. Vì liên kết nên bất cứ sự sửa đổi nào đều để lại dấu vết, chống chối bỏ. Vì tất cả yếu tố như vậy nên bảo đảm sự an toàn, tin cậy và minh bạch.

Chuyển đổi số có hết nhiều tiền không?

Đây chắc chắn là một vấn đề doanh nghiệp nào cũng sẽ quan tâm khi có mong muốn chuyển đổi số. Ngân sách cho chuyển đổi số có thể biến đổi lớn tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, mức độ phức tạp của các giải pháp cần triển khai, và các mục tiêu cụ thể của dự án. Dưới đây là một số yếu tố và ước tính ngân sách cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số:

Quy mô doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ (SMEs):

  • Ngân sách: Từ $10,000 đến $100,000 USD.
  • Yếu tố: Tập trung vào các giải pháp cơ bản như website, ứng dụng di động, phần mềm quản lý khách hàng (CRM), và các công cụ tự động hóa quy trình cơ bản.

Doanh nghiệp trung bình:

  • Ngân sách: Từ $100,000 đến $1,000,000 USD.
  • Yếu tố: Bao gồm hệ thống ERP, tích hợp dữ liệu, các giải pháp đám mây, an ninh mạng, và các dịch vụ tư vấn chiến lược.

Tập đoàn lớn:

  • Ngân sách: Trên $1,000,000 USD.
  • Yếu tố: Các giải pháp toàn diện bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet of Things (IoT), và các dự án đổi mới công nghệ tiên tiến.

Mức độ phức tạp và phạm vi

Cải tiến quy trình kinh doanh cơ bản:

  • Ngân sách: $10,000 – $50,000 USD.
  • Mô tả: Nâng cấp hệ thống quản lý, tự động hóa các quy trình cơ bản, cải thiện hiệu suất làm việc.

Triển khai hệ thống ERP/CRM:

  • Ngân sách: $50,000 – $500,000 USD.
  • Mô tả: Hệ thống quản lý tài nguyên doanh nghiệp (ERP) hoặc quản lý quan hệ khách hàng (CRM) toàn diện, tích hợp với các hệ thống hiện có.

Giải pháp dữ liệu và phân tích:

  • Ngân sách: $100,000 – $1,000,000 USD.
  • Mô tả: Xây dựng hạ tầng dữ liệu, triển khai các công cụ phân tích, dự báo và tối ưu hóa dựa trên dữ liệu.

Đổi mới và công nghệ tiên tiến:

  • Ngân sách: $200,000 – $2,000,000+ USD.
  • Mô tả: Các giải pháp AI, machine learning, IoT, blockchain, và công nghệ thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR).

Các hạng mục ngân sách

Tư vấn và lập kế hoạch:

  • Chi phí: 10-20% tổng ngân sách.
  • Mô tả: Chi phí thuê chuyên gia tư vấn, phân tích hiện trạng và lập kế hoạch chiến lược.

Phát triển và triển khai:

  • Chi phí: 40-60% tổng ngân sách.
  • Mô tả: Chi phí phát triển phần mềm, phần cứng, triển khai các giải pháp công nghệ.

Đào tạo và thay đổi quy trình:

  • Chi phí: 10-20% tổng ngân sách.
  • Mô tả: Đào tạo nhân viên, hỗ trợ thay đổi quy trình và quản lý thay đổi.

An ninh mạng, bảo trì và hỗ trợ sau triển khai:

  • Chi phí: 10-20% tổng ngân sách.
  • Mô tả: Chi phí bảo trì hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật và nâng cấp.

Mỗi cơ quan, tổ chức căn cứ vào chiến lược chuyển đổi số của mình để có mức chi phù hợp. Đối với các cơ quan nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh, tỷ lệ chi cho chuyển đổi số nên ở mức 1% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Mức trung bình của thế giới vào khoảng 2-3%. Ở một số nước như Singapore, tỷ lệ này có thể lên đến 4-5%.

Chi cho Chuyển đổi số với một lượng ngân sách như vậy, thì chắc chắn nó sẽ giúp doanh nghiệp bạn kiếm được tiền về. Cùng tìm hiểu chuyển đổi số giúp tạo ra bao nhiêu doanh thu thông qua một câu chuyện thực tế của tập đoàn Viettel nhé!

Trong nửa đầu năm 2020, do diễn biến phức tạp của Covid-19, Viettel đẩy mạnh tương tác khách hàng trên kênh số thay cho kênh truyền thống. Các dịch vụ mới có tỷ lệ tương tác với khách hàng trên 90% trên kênh số. Nhờ đã chuyển đổi số hoạt động chăm sóc khách hàng, tỷ lệ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ viễn thông đã tăng từ 87,92% (năm 2019) lên 90,02% (năm 2020).

Viettel chủ động chuyển tương tác khách hàng lên hệ thống Chatbot My Viettel tới gần 25 nghìn lượt/ ngày (đạt tỷ lệ 95%). Bên cạnh đó, Viettel cũng tập trung phát triển đối tác trực tuyến phục vụ khách hàng mua sắm tại nhà. Kết quả doanh thu 6 tháng đầu năm của Viettel, đạt 120.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2019.

Qua câu chuyện này, hẳn bạn cũng sẽ phần nào nhận thấy Chuyển đổi số không phải là một hoạt động tiêu tiền, mà nó là một khoản đầu tư tất yếu, để sinh lợi nhuận và kiến tạo sự vững mạnh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Các dịch vụ chuyển đổi số

Có cầu thì ắt sẽ có cung. Và trong thời đại 4.0 ngày nay, người người, nhà nhà đều đang nói về chuyển đổi số. Nhà nước nỗ lực xây dựng xã hội số, kinh tế số và văn hoá số. Còn các doanh nghiệp thì đang “chuyển mình” bằng cách chuyển đổi số trong quản lý. Từ đó tạo ra những dịch vụ chuyển đổi số tương ứng. Dưới đây là 6 dịch vụ chuyển đổi số phổ biến tại Việt Nam:

  • Dịch vụ 1: Tư vấn chuyển đổi số
  • Dịch vụ 2: Phát triển phần mềm
  • Dịch vụ 3: Điện toán đám mây
  • Dịch vụ 4: Phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)
  • Dịch vụ 5: An ninh mạng
  • Dịch vụ 6: IoT và tự động hóa

Để tìm hiểu chi tiết từng dịch vụ sẽ cung cấp những lợi ích gì cho doanh nghiệp bạn có thể tìm đọc nội dung Dịch vụ chuyển đổi số là gì? mà chúng tôi đã từng chia sẻ trước đây.

Để kết thúc cho một nội dung khá dài về Chuyển đổi số, DEHA Vietnam xin được trích dẫn một câu nói ý nghĩa về chủ đề này, hi vọng các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý sẽ có thêm động lực để tiếp bước trên hành trình đầy thách thức này.

“Khát vọng chuyển đổi số sẽ cần qua thử thách để trở thành một khát vọng đủ lớn. Càng có  nhiều thử thách thì càng chứng minh khát vọng đó là đúng, vì đó là khát vọng được tạo nên từ nỗi đau thực sự” – Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chia sẻ
Bạn cũng có thể thích

Ở lại một lúc và đọc thêm bài viết như thế này

Thư viện tài liệu miễn phí
Top tài liệu được tải nhiều
Dự án tiêu biểu